Home Thực phẩm bổ sung Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn khá cao

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn khá cao

by Nguyễn Hoàng Sơn

PGS, TS Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết như vậy tại buổi gặp mặt báo chí Hưởng ứng Ngày Vi chất dinh dưỡng (1, 2-6-2017) do Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức chiều 22-5, tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS, TS Trương Tuyết Mai cho biết, phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một cuốc chiến bền bỉ để nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân Việt Nam. Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng là một trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011-2020. Trong những năm qua, công tác phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu i-ốt, thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm vẫn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở nước ta vẫn khá cao. Thiếu vitamin A gây mù, tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ; thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ, giảm khả năng lao động, học tập; thiếu i-ốt gây bệnh đần độn, trí tuệ kém phát triển, ảnh hưởng đến bào thai; thiếu folate gây dị dạng ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết áp; thiếu kẽm làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trợ sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em, làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. 

“Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Truyền thông và giáo dục cho người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ và biết lựa chọn đối với các thực phẩm tăng cường vi chất là điều kiện để thực hiện thành công phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng”, PGS, TS Trương Tuyết Mai nhấn mạnh.

Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa vi chất dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng rất khó phát hiện và được coi là “nạn đói tiềm ẩn” ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi trong đó có trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là những đối tượng có nguy cơ cao. Thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, thể lực, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chậm phát triển chiều cao ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Khánh Vân cũng cho biết, một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là tăng cường công tác truyền thông để nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho toàn dân, khuyến khích sử dụng đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, lựa chọn các thực phẩm tăng vi chất dinh dưỡng; thực hiện cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu.

Để thực hiện bổ sung vitamin A, Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay (1, 2-6), Viện Dinh dưỡng quốc gia đã cấp 7.611.000 liều viên nang vitamin A (200 đơn vị và 100 đơn vị) cho gần 5 triệu trẻ từ 6-36 tháng tuổi, 500.000 bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A tại 63 tỉnh, thành phố. Riêng 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao), đối tượng suy dinh dưỡng thấp còi cao), đối tượng uống vitamin A liều cao còn được mở rộng đối với trẻ từ 37-60 tháng tuổi (có 1.100.000) và hoạt động tẩy giun sẽ được triển khai cho trẻ từ 26-60 tháng.

Để phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng:

1. Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

2. Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

3. Bữa ăn của trẻ có những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D.

4. Cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều Vitamin A.

5. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.

6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai nên uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

 (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN